Chọn ngôn ngữ:
Tên đăng nhập:

Mật khẩu:

Văn


Tôi yêu tiếng nước tôi (I)

Ngày đăng: 14/03/2013
Lượt xem: 2304

 

TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI (I)

Chuyện cũ đã nghe:

Tôi yêu tiếng nước tôi… Từ khi mới ra đời… Rồi yêu xóm làng, yêu quê hương đất nước. Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Thì đúng là cái chuyện muôn năm cũ. Cấm có bác nào “hát” khác.

Trong vô vàn những cách thể hiện, nói lên, chỉ ra cái “nước Việt mến yêu”, “Người Việt yêu quý” thì có lẽ cuốn Người Việt Cao Quý của Vũ Hạnh là gây xôn xao hơn cả. Tôi không có ý định “bình” gì về cuốn này; nhưng theo tôi sự “gây xôn xao” là do cách thức, hoàn cảnh ra đời của cuốn sách nhiều hơn là phần nội dung mà nó chuyển tải. Nghe đâu VH bắt đầu viết NVCQ từ năm 1965. Nhưng mãi đến năm 1972 mới thấy nhà Cảo Thơm xuất bản với tên tác giả là một người Ý: A.Pazzi và dịch giả là Hồng Cúc -một dịch giả mà hồi ấy cũng chẳng mấy người biết-. Đến năm 2001, NXB Mũi Cà Mau in lại đề tác giả Vũ Hạnh thì mới có chuyện mang hơi hướng… trinh thám gián điệp giả danh đội lớp  như thế mà gây xôn xao bút mực, chứ phần nội dung cũng chỉ… xuôi xuôi thôi. Khi nhà Khai Trí phát hành (năm 1972) và sau này (2001), tôi cũng ít thấy các bậc thức giả khả kính nói nhiều, phân tích, đánh giá về mặt khoa học, độ khái quát, tính biểu trưng... của tập tiểu luận này, ngay cả so với những trang điểm sách, những bài giới thiệu có vẻ gây nhiều ấn tượng hơn đối với tập truyện Bút Máu của cùng tác giả. Có lẽ, có người “làm một cuốn” thế này là tốt rồi.

Vâng, viết thế là tốt rồi. Chứ còn anh nào rỗi hơi mà viết… ngược lại… mới là có chuyện. Ấy thế mà trong thiên hạ có đấy các bác ạ.

Đó là ở hai xứ to nhất hành tinh - mỗi anh to mỗi kiểu mà - người ta tự nói mình xấu và cũng chịu nghe... nói xấu về mình. Mỹ có cuốn “Người Mỹ xấu xí”; Tàu có cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”. Bác nào có biết ở xứ nào khác thì “điểm” cho bà con biết với nhé. (cuốn Người Nhật xấu xí thì tôi chỉ nghe Bá Dương nói chứ chưa được đọc)

Cụm từ “Người Mỹ xấu xí” thường dẫn ta ngay tới cái ý nghĩ người Mỹ… xấu thật. Cái  “quân” gì đâu mà cục cằn thô lỗ; đi thì cứ như ma đuổi, ngồi thì cứ gếch hai chân lên bàn; ăn nói thì cụt lủn trớt quớt, chào hỏi từ trẻ đến già cứ “hi” một phát là xong. Ngay cả cái hội năm châu bốn bể như Olympic Atlanta 1996 mà mit-tơ tổng thống “đọc diễn văn khai mạc” cũng chỉ độc có một câu “nhân danh… tôi tuyên bố khai mạc Olympic Atlanta 1996”… rồi biến; chẳng biết lễ bái mười phương tám hướng mà cũng không có dầu-đèn-kèn-trống chi chi, bảo đảm là có nhân ba cái thời gian “khai mạc” của lão Bill năm nọ thì các cụ ta lễ nghĩa cũng… chưa hết cái màn… kính thưa. Chứ thực ra cuốn The Ugly American của hai đồng tác giả William J. Lederer và Eugene Burdick xuất hiện năm 1958 là nói nhiều về chính trị. Cái  xấu xí ở đây là sự ngạo mạn, thô thiển và bất lực trong guồng máy ngoại giao, của những người thực hiện chính sách của Mỹ tại Đông-Nam-Á chứ không phải cái xấu xí của dân tình, tính cách, lề thói của đại chúng Mỹ.

Cuốn Người Trung Quốc xấu xí thì lại khác. Tác giả Bá Dương là một người sinh ở đại lục, chạy ra Đài Loan, làm báo, viết tạp luận là chính, tập hợp những bài viết và diễn thuyết của mình từ năm 1977, in thành sách, xuất bản năm 1985 ở Đài Loan. Đến năm 1989 được NXB Hoa Thành, Quảng Châu, Quảng Đông ấn hành và phổ biến tại Hoa lục. Ông Nguyễn Hồi Thủ, một học giả Việt sống tại Pháp khi sang Trung quốc đọc được bản Hoa Thành đó, thấy thích thú và nhận “là hữu ích” nên dịch và cho ra mắt tại Paris năm 1998. Trong phần “Lời người dịch” ông có nói là có gởi một bản chụp cho một người bạn ở Hà-nội để mong được in và phát hành trong nước. Cho đến nay, người đọc trong nước đã đọc được bản… phát hành trên mạng. Trong sách, tác giả Bá Dương kể, đủ  mọi sự của người Trung Quốc mà dịch giả Nguyễn Hồi Thủ bảo là phân vân giữa hai chữ “xấu xí” và “xấu xa” không biết dùng chữ nào cho xác đáng. Tác giả kể xấu người TQ đủ thứ chuyện nào là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Lý luận cù nhầy mà hàm hồ. Năng lực suy luận bị trục trặc mà kiêu ngạo hão.Về giáo dục thì sinh viên học sinh phát biểu là “chúng tôi không cần học làm người, chỉ cần học để ứng phó với việc thi cử”. Dân tình thì mắt cái bệnh đến chết cũng không nhận lỗi, là loài động vật không biết cười… Ôi thôi! đủ thứ cả. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ đến giờ, đọc cái ông Tàu này mới biết người TQ có nhiều cái xấu xí đến thế; và lại không hiểu sao mà… may cho ba phần tư còn lại của nhân loại làm vậy.

Chuyện… cũng cũ kể lại.

Tôi đọc hơi lâu phần “Lời người dịch” ở đầu của cuốn NTQXX. Có cảm giác như dịch giả Nguyễn Hồi Thủ có một ẩn ngữ, ẩn ý gì đó. Cái “ẩn” đó, một ngưới bạn tôi cho rằng có thể “giải bạch” ra thế này: Đọc cái cuốn này đi, hữu ích lắm đấy, trong một-số-không-nhỏ những cái xấu xí đó, nếu thay hai chữ TQ bằng VN thì cứ khớp như là thợ giỏi đo chân trước rồi mới đóng giày sau vậy. Thế thì làm hẳn một cuốn cho “ta” chẳng hay hơn à?

Nghe đồn là ông Vương Trí Nhàn sắp ra một cuốn như vậy, với đề tựa là “Những thói hư tật xấu của người Việt” hay đại loại một cái tên gì đó na ná thế. Ông Vương chuyên viết về phê bình văn học. Ông viết đều trên tờ Văn nghệ và là một cây bút chủ lực của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong chốn trường văn trận bút khen chê là lẽ thường tình. Người khen, như Gs Nguyễn Huệ Chi viết rằng “…mà thường vấn đề gì cũng lướt qua một cách nhẹ nhàng, nhưng lại có những nhận xét khá thâm thuý”. Người chê thì cũng có đấy nhưng tôi không nhớ. Tôi thì cho rằng văn ông viết từ tốn, “chừng mực” lắm. Ngay cả cái phần kết về Nguyễn Khải hồi 2003, 2004 ông viết “…như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình có khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới” - (Nguyễn Khải - Chân dung nhà văn một thời - Vương trí Nhàn Blog) - thì tôi cho rằng dẫu nhìn cách nào cũng đúng là “chừng mực” lắm. Có lẽ để “mào đầu” cho cuốn sách như tôi vừa nghe đồn; mấy hồi gần đây, ông có “lôi” các cụ Phạm Quỳnh, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh “dậy” để nói về “Thói Hư Tật Xấu” …cho có …bạn.

Tôi hơi dông dài như vậy rốt cuộc cũng để nói rằng với cái vị thế của mình –(ông VTN vẫn còn “chân” trong NXB Hội Nhà Văn), với cách viết như thế, ông VTN là người dễ nhất khả dĩ ra được cuốn sách như thế.

Nhưng… cũng lại nghe đồn rằng, cuốn sách đã xong, mới “chào hàng sơ sơ” thì bị một trận chẳng kém gì cái trận Joel Brinkley đã nhận. Ừ thì bác Joel, bác ấy múa tào lao cái chuyện chuột-chim-rùa-rắn thì bị đập là phải. Dẫu mồm mép - dạy Báo chí Stanford - và bút mực - giải Pulitzer 1980 - cũng chẳng phải tay vừa nhưng với lập luận  hồ đồ võ đoán, luận chứng bất khoa học như thế thì báo chữ báo hình, nước trong nước ngoài thi nhau mà dập thì bác ý cũng chỉ còn đường nhận sai và xin lỗi là khôn nhất. Nhưng với bác Vương Trí Nhàn thì khác chứ. Vậy mà sách vẫn chưa thấy ra.

Trong lúc chờ đọc một cuốn như thế để... rút kinh nghiệm. Tôi xin - đừng có nghĩ tào lao tội nghiệp, hổng dám đâu - kể hầu bạn vài câu chuyện… dân gian cũ mèm.

Chuyện cái giỏ cua

Dân ta từ lâu đã  nhại đi nhại lại cái chuyện này hoài. Một bầy cua trong giỏ tìm cách bò ra ngoài, mà hễ con nào lốp ngớp leo lên đến miệng thì y như là có ngay một anh đằng sau móc ngoe kéo xuống và cả hai cùng vểnh càng rơi tõm vào đáy giỏ trở lại. Nó cũng hao hao với cái chuyện của người Tàu: Một hoà thượng gánh nước uống, hai hoà thượng khiêng nước uống, ba hoà thượng chẳng có nước uống. Ta thêm cái đoạn là có 3 người Nhật và ba người VN rơi xuống hố. Ba người Nhật thì kê vai nhau để có người lên trước rồi kéo cả cùng lên; trong khi ba người Việt thì cứ hạch đụi kéo tới kéo lui rốt cuộc cả đám mãi loay hoay… ở dưới hố. Như bầy cua trong giỏ.

Cái tật tánh ganh-tỵ-tiểu-nông cố hữu. Cái thói tật thiếu đoàn kết, không chịu gắn bó nhau vì lợi ích chung của cộng đồng. Và cái dở đó vẩn kéo dài đến thế kỷ thứ 21 này qua việc các công ty ngoại quốc vẩn còn chê là thanh niên VN kém... làm việc theo nhóm.

Câu chuyện thứ 2: Arsenal.

Các báo mới đưa tin là đội  Arsenal của giải PL sẽ sang đấu giao hữu (biểu diển) cho bà con ta thưởng lãm vào ngày 17/7 tới. Ông bầu Đức có lên báo nói về nguồn cơn cái vụ này. Và tiền bạc tốn 50 tỷ là… xã hội hoá. Không có chuyện vì chẳng phải là Barcelona hoặc Chelsea nên tôi không ưa. Mà tôi cũng chẳng có gì chống ông bầu Đức cả. Theo lời ông chủ HAGL thì: “Tại Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đã từng đón tiếp các CLB danh tiếng của giải Ngoại hạng Anh tới thi đấu, còn VN thì chưa. Điều này đã thôi thúc chúng tôi thực hiện dự án này…” thì cũng tốt thôi. Không chừng tôi cũng sẽ kiếm vé đi xem tại sân nữa đấy.

Chỉ là câu chuyện để nhắc lại một cái tật là ưa ti toe của dân mình. Ai có gì là tui có nấy. Ông có xi-măng thì tôi cũng xi-măng. Ông có nhà máy đường thì tôi cũng máy đường. Ông có đại học thì tôi cũng có trường… học đại. Cái tật sĩ diện hão và ti toe vụn vặt nhỏ nhen; ngẫm cho chín, là cả một cái vòng kim cô giữ chặt cho ta cái đèn đỏ trên con đường phát triển theo bốn bên thiên hạ.

Chuyện cũ thứ ba: Camdaibay.

Có một đoàn khách du lịch ngoại quốc; sau khi thăm thú nước ta từ Bắc vào đến Nam bèn hỏi anh hướng dẫn viên: Ngoài Bắc anh đã đưa chúng tôi đi chơi Ha-Long-bay, vào Trung đi xem Cam-Ranh-bay, còn một chỗ nữa mà ở đâu chúng tôi cũng thấy giới thiệu, vào Sài-Gòn này lại càng thấy nhiều hơn. Vậy Cam-dai-bay ở chổ nào xin anh cho đi... tham quan luôn…

Nhiều người lý giải đó là cái cố tật... truyền kiếp từ… tổ tiên xa xưa để lại. Thứ nhứt quận công, thứ nhì….

Có người thì cho rằng tại ta còn… yếu kém về cái… cơ sở hạ tầng cho sự… vệ sinh công cộng.

Có người cho đó là sự tuỳ tiện. Tuỳ tiện trong những sinh hoạt cá nhân đơn lẻ, rồi lớn dần lên đến chuyện quốc gia đại sự  cũng… tuỳ tiện tuốt.

Lý giải cho chính xác như thế nào đó thì các bác cứ thả sức... mà tuỳ. Nhưng có người nói chắc như đinh đóng cột rằng nếu giữ mãi cái cung cách như vậy, giữ mãi tâm thế... ruộng đồng như thế thì… con lâu mới nói chuyện take-off, mới lên đường… phát triển.

Thomas Freidman bảo thế giới ngày nay là… phẳng. Trong giai đoạn văn minh hậu công nghiệp, thế giới phát triển theo hướng khoa học vi mô; công nghệ truyền thông phát triển theo chu kỳ hai năm, năm năm một bậc thì sự giao lưu, học hỏi tiếp thụ lẫn nhau giữa các quốc gia hoá ra cái chuyện đầu trên xóm dưới… trong một làng.

Thế nên nhiều người mới cho rằng, bất kể những lợi thế và ưu điểm gì mà chúng ta đã và đang có được, bất kể những khiếm khuyết nào mà chúng ta còn chưa nhận ra hết; chỉ riêng mấy cái tật tánh... khó chịu như là kém ý thức cộng đồng, sĩ diện hão những điều nhỏ nhen vụn vặt, đua đòi vô lối bất chấp những điều kiện riêng và hướng tới những đặc thù của riêng ta; thiếu sáng tạo và những ý tưởng mới trong đời sống v.v… như ẩn chứa khá nhiều đằng sau các câu chuyện vụn tôi vừa kể trên thì cũng đủ mang tính quyết định, bao trùm giữ còn lâu chúng ta trong cái vòng lẩn quẩn của... lạc hậu và kém phát triển.

Ơn trời, theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, nước ta được xếp vào nhóm nước có dân-số-trẻ. Năm mươi phần trăm dân số là ở dưới tuổi 30. Có tài liệu khác nói 60% dân số là từ 40 trở xuống. Thì đàng nào cũng có năm, sáu chục triệu người ở cái nhóm dễ tiếp thu cái mới, dễ từ bỏ những điều cũ để thụ nhạn cái mới tiến bộ hơn, dễ hoà hợp với thiên hạ hơn. Tôi tin là những tật tánh khó chịu như vừa kể trên rồi chẳng mấy nữa  sẽ đổi thay theo hướng tốt đẹp,văn minh và tiến bộ.  ./.

10-3-2013

    Lang Vườn


Gửi Bài Viết

Họ tên:
Email:
Địa chỉ:
Chủ đề:
Nội dung:

Chú ý: Vui lòng nhập đầy đủ thông tin trên


Copy right 2011 www.duocphambachkhang.com. All right reserved
Công ty TNHH Dược phẩm Bách Khang
  17 Đường 783A Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP.HCM

Thiết kế web: Faso

Tri mun da Tri nam da chăm sóc da Tu van dau tu Vietnam tours Thiet bi dien Thanh lap cong ty 100 von nuoc ngoai Bìa còng Bia ho so